8 yếu tố quyết định sự thành công trong quản lý bệnh viện
Nội dung bài viết
ĐÁNH GIÁ RỦI RO KINH DOANH
1. Vị thế thị trường dẫn đầu trong các yếu tố quản lý bệnh viện
Vị thế thị trường sẽ liên quan đến việc đánh giá quy mô bệnh viện cũng như thị phần của nó. Số lượng giường bệnh
là một trong những chỉ số đo lường để mô tả khả năng đáp ứng bệnh nhân cũng như quy mô của bệnh viện so với
những đối thủ cạnh tranh. Vị thế thị trường có thể được cải thiện bằng cách sát nhập các bệnh viện/ phòng khám khác hoặc mở rộng phòng khám ở địa điểm khác. Bệnh viện có vị thế vững chắc sẽ có lợi thế tốt hơn để đối mặt với thị trường ngày càng cạnh tranh cao cũng như nắm bắt các cơ hội kinh doanh lớn hơn. Thêm vào đó, nó cũng sẽ giúp cho bệnh viện có vị thế hơn trong quá trình thương lượng với các bác sĩ cũng như với các nhà cung cấp, và trở nên linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá dịch vụ.
2. Vị trí địa lý, hồ sơ nhân khẩu học
Bệnh viện với hoạt động trên nhiều khu vực địa lý khác nhau sẽ giúp tránh được các vấn đề ảnh hưởng đến một khu vực cụ thể, ví dụ như tình hình kinh tế tiêu cực, hay thị trường địa phương cạnh tranh cao. Nhân khẩu học của dân cư trong địa phương cũng có thể tác động đến tiềm năng tăng trưởng về số lượng bệnh nhân và doanh thu của bệnh viện trong tương lai. Phân khúc mục tiêu của bệnh viện phải phù hợp với hồ sơ nhân khẩu học của địa phương, chẳng hạn như khu dân cư với mức sống thấp hoặc khu dân cư cao cấp, khu thương mại kinh doanh hay những khu khác.
3. Chất lượng dịch vụ tạo ra lợi thế cạnh tranh trong quản lý bệnh viện
Ngoài sự có mặt của các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, mảng dịch vụ và cơ sở vật chất mà bệnh viện cung cấp sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút bệnh nhân đến nhiều hơn, từ đó giúp tăng doanh thu. Việc đầu tư vào thiết bị y tế công nghệ cao và các chính sách hiện đại hóa giúp làm tăng chất lượng dịch vụ của bệnh viện hơn. Quản lý có chuyên môn cũng như mối quan hệ đối với các bác sĩ và nhân viên y tế cũng rất quan trọng để duy trì nguồn nhân lực có trình độ phục vụ trong bệnh viện.
4. Quản lý bệnh viện bằng các phân tích các chỉ số kinh doanh
Phân tích bao gồm đánh giá rủi ro về hiệu quả của phòng khám và khả năng kiểm soát chi phí. Một số thước đo có thể được sử dụng để đánh giá này bao gồm: tỷ lệ lấp đầy bệnh nhân, thời gian lưu trú trung bình và số giường bệnh luân chuyển. Việc tuân thủ các quy định liên quan và đạt được các chứng nhận cần thiết cũng có thể ảnh hưởng đến việc kinhdoanh của bệnh viện. Chiến lược về giá và quản lý chi phí sẽ là những yếu tố quan trọng cần được quan tâm, đặc biệt là khi bệnh viện phải đối mặt với những cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ. Phân tích về tỷ suất lợi nhuận hoạt động (EBIT và EBITDA) cũng nên được xem xét, tỷ số này được đánh giá bằng cách so sánh các chỉ số của bệnh viện với các đối thủ khác trong cùng ngành hoặc có các đặc điểm tương đương, điều này khá là quan trọng trong việc phân tích năng lực cạnh tranh.
ĐÁNH GIÁ RỦI RO TÀI CHÍNH
5. Chính sách tài chính ảnh hưởng tới dòng tiền trong quản lý bệnh viện
Phân tích sẽ bao gồm việc xem xét các chiến lược cũng như chính sách của ban lãnh đạo đối với rủi ro tài chính (trong quá khứ, hiện tại và tương lai). Nó cũng bao gồm việc đánh giá các mục tiêu tài chính của ban quản lý (tăng trưởng, đòn bẩy, cơ cấu nợ và chính sách cổ tức), bảo hiểm rủi ro và các chính sách khác trong nỗ lực giảm rủi ro tài chính tổng thể của bệnh viện. Các báo cáo của tổ chức về việc hoàn thành các nghĩa vụ tài chính trong quá khứ cũng cần được xem xét để đánh giá mức độ cam kết và sự sẵn lòng của ban lãnh đạo trong việc đáp ứng các yêu cầu tài chính đúng hạn.
6. Cơ cấu vốn chủ sở hữu và các dòng vốn khác
Phân tích bao gồm việc đánh giá kỹ lưỡng các đòn bẩy (tổng nợ và nợ ròng liên quan đến vốn chủ sở hữu và EBITDA), cấu trúc và thành phần nợ (đồng VND so với đồng ngoại tệ, nợ ngắn hạn so với nợ dài hạn, lãi suất cố định so với lãi suất thả nổi) của cả trong quá khứ, hiện tại và dự kiến của tổ chức. Thêm vào đó, quản lý các quản nợ phải trả cũng cần được chú ý.
7. Dòng tiền và thanh khoản
Phân tích bao gồm các đánh giá về nguồn tạo ra dòng tiền của bệnh viện và khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn và dài hạn. Mức độ khả năng trả nợ được đo bằng chỉ số thanh toán lãi vay (interest and debt coverage ratio). Mức độ thanh khoản của bệnh viện trong việc hoàn thành các khoản nợ ngắn hạn so với các nguồn tiền mặt của nó cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Các nguồn tiền mặt bao gồm số dư tiền mặt, tiền mặt ước tính từ hoạt động kinh doanh, các khoản tín dụng chưa sử dụng và các nguồn tiền mặt khác.
8. Khả năng linh hoạt tài chính
Phân tích bao gồm các đánh giá tổng hợp của tất cả các phép đo tài chính ở trên để đi đến một cái nhìn tổng thể về
tình hình sức khỏe tài chính của bệnh viện. Phân tích cũng sẽ liên quan đến những yếu tố chưa được nêu lên, ví dụ như phạm vi bảo hiểm, các giao ước trong các hợp đồng vay, trái phiếu,… Ngoài ra, khả năng của bệnh viện trong việc đối mặt với các kịch bản bất lợi hay sự hỗ trợ từ các cổ đông cũng cần được xem xét